Hiện nay có rất nhiều phương pháp ăn dặm cho trẻ khác nhau. Tiêu biểu trong đó là phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật. Có rất nhiều bà mẹ cảm thấy băn khoăn không biết ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật cái nào tốt nhất cho bé nhà mình. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ biết được nên áp dụng phương pháp ăn dặm nào thì phù hợp với bé yêu.

Đặc điểm của ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật

Ăn dặm truyền thống là phương pháp ăn dặm được truyền từ ông bà, cha mẹ qua nhiều thế hệ. Trong giai đoạn đầu, bé sẽ được ăn bột loãng. Khi bé bắt đầu lớn hơn bột hoặc cháo sệt sẽ được kết hợp với thịt, rau củ và cá xay nhuyễn nhuyễn. Khi răng bắt đầu mọc sẽ chuyển sang cháo đặc cùng thực phẩm băm nhỏ.

Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, bàn ăn được bố trí với một chén cháo riêng, một món mặn và một món canh, tương tự như cách người lớn thưởng thức bữa ăn. Thức ăn cung cấp cho bé được điều chỉnh độ thô sao cho phù hợp với từng giai đoạn của sự phát triển.

Ưu và nhược điểm của hai phương pháp

Ăn dặm truyền thống Ăn dặm kiểu Nhật
Ưu điểm – Giúp mẹ dễ dàng kiểm soát lượng thức ăn mà bé ăn hàng ngày. Mẹ sẽ biết chính xác bé đã ăn gì và lượng ăn nhiều hay ít, từ đó dễ dàng điều chỉnh khẩu phần thức ăn cho bé.

– Việc vệ sinh sau khi bé ăn trở nên nhẹ nhàng và thuận tiện hơn, không gây ra nhiều lộn xộn và bẩn thỉu.

– Giúp mẹ dễ dàng nhận biết các chất gây dị ứng. Mẹ có thể phát hiện sớm và loại bỏ những thực phẩm gây dị ứng, đảm bảo sức khỏe cho bé.

– Giúp bé làm quen với nhiều loại thức ăn khác nhau từ sớm, giúp bé phát triển khẩu vị và thích nghi với nhiều món ăn khác nhau.

– Bé được khuyến khích tự ăn và thực hiện các hoạt động như người lớn, giúp phát triển tính tự lập ngay từ nhỏ.

– Bé được cảm nhận đầy đủ hương vị của từng loại thực phẩm và phát triển vị giác một cách tự nhiên.

– Trẻ được học cách ăn uống tập trung, tạo thói quen lành mạnh ngay từ đầu.

Nhược điểm – Việc bế rong và dỗ bé ăn có thể mất nhiều thời gian và công sức, đặc biệt trong giai đoạn đầu bé cần hỗ trợ nhiều hơn.

– Bé sẽ cảm thấy không tự chủ trong việc ăn uống, do phải phụ thuộc vào mẹ trong việc đưa thức ăn vào miệng.

– Bé có thể phát triển những thói quen không tốt như đòi bế khi ăn, đút ăn, phải ép ăn

– Có thể gây phản đối từ ông bà hoặc người lớn khác do không tuân thủ theo phong tục truyền thống.

– Đòi hỏi việc chế biến thức ăn chi tiết và tỉ mỉ, mất nhiều thời gian hơn so với phương pháp truyền thống.

– Trong giai đoạn đầu có thể trẻ sẽ ít tăng cân.

Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật là gì
Các đặc điểm ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật

So sánh ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật

Giống nhau

Trong giai đoạn đầu tiên của ăn dặm, cả ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật đều tuân thủ các hướng dẫn cơ bản từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO:

  • Ăn từ đơn giản đến đa dạng: Cả hai phương pháp đều khuyến khích bắt đầu với các loại thực phẩm đơn giản, sau đó chuyển dần sang các loại thực phẩm khác để tăng tính đa dạng.
  • Ăn từ ít đến nhiều: Cả hai phương pháp đều khuyến khích bé ăn ít lượng thức ăn đầu tiên và dần dần tăng lượng theo thời gian.
  • Ăn từ loãng đến đặc: Cả hai phương pháp đều thực hiện việc thay đổi độ đặc của thức ăn dần dần để bé thích nghi.
  • Tăng tần số bữa: Cả hai phương pháp đều khuyến khích tăng tần số bữa ăn theo sự phát triển của bé.

Cả ăn dặm kiểu Nhật và truyền thống đều cân nhắc đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho bé trong mỗi bữa ăn.

Khác nhau

Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật có những đặc điểm khác nhau như:

  • Nguyên liệu: Ăn dặm kiểu Nhật là sử dụng các nguyên liệu phổ biến tại Nhật Bản như cá hồi, rong biển, udon, somen, và sản phẩm từ đậu tương. Trong khi ăn dặm truyền thống ưu tiên những thực phẩm có sẵn và quen thuộc tại địa phương.
  • Cách sơ chế và bảo quản: Việc sơ chế, bảo quản, chế biến trong ăn dặm kiểu Nhật phức tạp hơn so với phương pháp truyền thống, do mỗi phần ăn cần sự tỉ mỉ và chăm chút.
  • Dụng cụ nấu nướng: Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sử dụng nhiều dụng cụ nấu nướng tỉ mỉ để đảm bảo việc chế biến đồ ăn cho bé được chuẩn bị tốt nhất.
  • Cách chế biến thức ăn: Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật yêu cầu chế biến từng món riêng biệt để bé cảm nhận rõ mùi vị của từng loại thực phẩm. Trong khi ăn dặm truyền thống thường trộn các thành phần thức ăn lại với nhau, dẫn đến việc bé khó cảm nhận được vị của từng loại thực phẩm.
  • Cách tăng thô: Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật tăng thô cho bé sớm hơn so với truyền thống.

Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật phương pháp nào tốt nhất?

Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật, không có phương pháp nào được coi là tốt hơn mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất với từng bé cụ thể. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm riêng. Để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất bố mẹ chú ý đến những điều sau:

Sở thích của trẻ

Tùy từng bé mà tính cách và sở thích khác nhau. Có bé thích ăn từng món tách biệt, trong khi có bé thích ăn thức ăn được trộn chung với nhau. Điều này cũng có thể thay đổi theo từng giai đoạn của bé.

Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật nên chọn phương pháp nào
Lựa chọn phương pháp ăn dặm cho trẻ dựa vào sở thích

Điều kiện gia đình

Nếu mẹ có thời gian và điều kiện để nấu nướng cho bé theo phương pháp Nhật, hoặc thậm chí kết hợp giữa phương pháp Nhật và truyền thống, đều có thể thực hiện tùy theo tình hình.

Tình trạng cơ thể của bé

Việc tăng độ thô cũng cần phải linh hoạt theo tình trạng của bé. Nếu bé không có vấn đề về biếng ăn hay suy dinh dưỡng, mẹ có thể tăng độ thô như phương pháp Nhật. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề gì, mẹ nên tìm tư vấn từ bác sĩ dinh dưỡng để điều chỉnh phương pháp phù hợp.

Có nên kết hợp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật?

Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu nhất đều có những điểm mạnh riêng, và bằng cách tận dụng cả hai, bạn có thể giúp bé phát triển toàn diện hơn và cung cấp cho bé những trải nghiệm ẩm thực đa dạng. Dưới đây là những lợi ích mà phương pháp kết hợp này mang lại:

  • Khi kết hợp việc cho bé thử nhai và nuốt thức ăn thô theo kiểu Nhật cùng việc chế biến thức ăn theo phong cách truyền thống, bạn giúp bé phát triển kỹ năng nhai và nuốt tốt hơn, góp phần cải thiện quá trình tiêu hóa của bé.
  • Việc trải nghiệm những món ăn đa dạng về màu sắc, mùi vị từ cả hai phương pháp giúp bé phát triển vị giác và phân biệt các hương vị khác nhau. Điều này có thể khuyến khích bé ăn uống một cách hứng thú hơn.
  • Kết hợp cả hai phương pháp giúp bé được cung cấp đa dạng dưỡng chất từ các loại thực phẩm. Điều này có thể hỗ trợ bé trong việc phát triển tốt hơn về cân nặng và chiều cao, đồng thời đảm bảo bé nhận đủ các dưỡng chất cần thiết.

Tuy nhiên khi kết hợp phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật, các mẹ cần tuân theo một số nguyên tắc sau để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ:

  • Nên bắt đầu cho bé ăn dặm sau 6 tháng tuổi khi hệ tiêu hóa của bé đã sẵn sàng tiếp thu thức ăn thô.
  • Hãy để bé tự chủ trong việc ăn uống, cho bé ăn khi bé có hứng thú.
  • Tạo môi trường ăn uống thoải mái, tích cực cho bé. Màu sắc và hương vị thú vị có thể kích thích bé thử nếm và thưởng thức thức ăn.
  • Chọn thực phẩm phù hợp với từng giai đoạn tháng tuổi của bé để đảm bảo tiêu hóa tốt.
  • Khi bắt đầu cho bé thử món mới, hãy bắt đầu từ ít, sau đó tăng dần khi bé chấp nhận thức ăn.
  • Đảm bảo thức ăn ấm nóng để tạo cảm giác thoải mái khi bé ăn.
  • Bữa ăn không nên kéo dài quá 30 phút.
  • Không nên cho bé chơi đồ chơi hay làm bé xao lãng để dụ bé ăn.
Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật có nên kết hợp không
Kết hợp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật đem lại nhiều lợi ích

Gợi ý món ăn dặm truyền thống kết hợp kiểu Nhật

Dưới đây là một số gợi ý món ăn dặm truyền thống kết hợp kiểu Nhật mà bạn có thể tham khảo đưa vào thực đơn hàng ngày của bé:

Bánh Sandwich Sữa

Nguyên liệu:

  • 1 miếng bánh sandwich
  • 50 – 120ml sữa mẹ/sữa công thức

Cách làm:

  • Cắt viền cứng của bánh sandwich và xé nhỏ, ngâm trong sữa khoảng 10 phút để bánh mềm.
  • Đun sôi hỗn hợp trên, sau đó lọc qua rây.
  • Cho bé thưởng thức hỗn hợp bánh và sữa.

Khoai lang hấp sữa

Nguyên liệu:

  • 1 củ khoai lang
  • 100ml sữa mẹ/sữa công thức
  • 1 thìa bơ nhạt

Cách làm:

  • Gọt vỏ và cắt khoai lang thành miếng nhỏ, hấp chín.
  • Nghiền nhuyễn khoai lang đã hấp.
  • Trộn khoai lang, bơ, và sữa để tạo thành hỗn hợp đặc sánh.
  • Cho bé thưởng thức món khoai lang hấp.

Mì thịt gà súp lơ

Nguyên liệu:

  • 100g mì somen
  • 50g thịt ức gà
  • 30g súp lơ xanh

Cách làm:

  • Luộc mì somen và thịt gà.
  • Băm nhỏ thịt gà sau khi đã luộc chín.
  • Băm nhỏ súp lơ xanh.
  • Kết hợp mì, thịt gà, và súp lơ trong nồi, đun 3 – 4 phút.
  • Trước khi cho bé thưởng thức, thêm 1 thìa dầu oliu.

Cháo cá hồi cà chua

Nguyên liệu:

  • 50g gạo
  • 50g cá hồi
  • ½ quả cà chua

Cách làm:

  • Ngâm gạo trong nước 1 – 2 tiếng, sau đó nấu thành cháo.
  • Cá hồi ngâm trong sữa tươi 20 phút và hấp chín, sau đó nghiền nhuyễn.
  • Băm nhuyễn cà chua sau khi đã ngâm nước ấm.
  • Kết hợp cháo, cá hồi, và cà chua, đun 5 phút thêm.
  • Trước khi cho bé thưởng thức, đổ thêm nước ấm.

Ngũ cốc dinh dưỡng

Nguyên liệu:

  • 30g ngũ cốc ăn dặm cho bé
  • 50ml sữa mẹ/sữa công thức

Cách làm:

  • Cho ngũ cốc vào bát.
  • Hâm nóng sữa và đổ vào bát ngũ cốc, khuấy đều.

Cháo rây trà lúa mạch

Nguyên liệu:

  • 1 gói trà lúa mạch Wakodo
  • 1 thìa gạo

Cách làm:

  • Nấu gạo và nước theo tỷ lệ 1:10.
  • Đổ trà lúa mạch vào cốc, thêm nước ấm.
  • Cho bé thưởng thức cháo rây trước, sau đó tráng miệng bằng trà lúa mạch.

Cháo rây rau củ

Nguyên liệu:

  • 40g gạo
  • 10g cà rốt
  • 10g su su
  • 10g bí đỏ

Cách thực hiện:

  • Ngâm gạo trong nước 30 phút, nấu thành cháo.
  • Luộc chín cà rốt, su su, và bí đỏ. Xay nhuyễn.
  • Kết hợp cà rốt, su su, bí đỏ đã xay vào cháo, đun 3 phút thêm.

Cháo gạo lứt

Nguyên liệu:

  • 50g gạo lứt
  • 1 thìa phô mai rắc

Cách làm:

  • Xay nhuyễn gạo lứt, nấu thành cháo.
  • Rắc phô mai lên cháo trước khi cho bé thưởng thức.

Kết luận

Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật là hai phương pháp gần giống nhau và có thể thay đổi hoặc kết hợp với nhau. Ăn theo cách nào là tùy thuộc vào mẹ và bé. Không có gia đình nào hay đứa trẻ nào giống nhau, chính vì vậy không nên áp dụng cứng nhắc một phương pháp ăn dặm nào.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận